Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Đồng Tâm - Huyện Ninh Giang

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Đồng Tâm

Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, đây là một ngôi đền cổ nằm ở gần bến đò Tranh thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. Theo truyền ngôn trong nhân dân thì: vào thời nhà Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông này. Ngôi đền này ban đầu là ngôi miếu nhỏ, nằm sát bến sông nên thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên. Ngôi đền mới này vẫn được người dân nơi đây gọi là đền Tranh. Theo các cụ cao tuổi kể lại, đền được xây dựng trên khu đất cao, đẹp, có nhiều cây cổ thụ xum xuê và đặc biệt đền rất linh thiêng về cầu đảo khi đi sông nước. Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho biết: năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngôi đền được trùng tu tôn tạo trên quy mô lớn, những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan Lớn Tuần Tranh.

​​64ed90403e8591dbc894.jpg

Hiện tại di tích đền Tranh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung, 7 gian đông vu và nhiều công trình phụ trợ khác.

Toà tiền tế gồm 7 gian:  dài 20,3 m, rộng 9,84m. Đây là một toà nhà khá lớn, kết cấu chính là 8 vì kèo bê tông cốt thép chắc chắn hệ thống cột cái, cột quân, xà lách, toàn bộ bằng bê tông được tạo dựng khá đẹp mắt. Các con thuận, đấu sen, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết, chất lượng tốt. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ cánh mềm mại có nhiều đường gờ chỉ đẹp, trên nóc có phù điêu lưỡng long chầu nguyệt khá sinh động.

Den-Tranh-Hai-Duong--02.jpg

Toà Trung từ gồm 7 gian: dài 18,4 m, rộng 3,8 m, đây là toà nhà được kết cấu toàn bộ phần khung sườn bê tông cốt thép, trụ, đấu, hoành, rui, bẩy hiện bằng gỗ tứ thiết. Vì kèo được kiến tạo theo kiểu "vành mai" (theo kết cấu của các công trình đền Đồng Bằng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Mái lợp ngói mũi, công trình nối liền toà tiền tế.

toa trung tu 1.jpg
toa trung tu 2.jpg

Công trình tiếp sau toà trung từ là 7 gian nhà nối: có chiều dài 18,4m, rộng 5,2m, toàn bộ công trình là gỗ tứ thiết, các vì kèo kiến tạo theo kiểu "kẻ chuyền chồng chóp" khá đẹp. Chất liệu gỗ tứ thiết còn tốt. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ cánh có nhiều phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao.

trung tu 5.jpg

Tiếp sau 7 gian nhà nối là 3 gian cổ dải: dài 7,79 m, rộng 3m. Toà nhà này gồm 4 vì kèo, kiến trúc kiểu "chồng giường, giá chiêng" truyền thống. Chất liệu gỗ tự thiết khá chắc chắn. Đặc biệt, toàn bộ các vì kèo của toà nhà được sơn son thếp bạc ở tất cả các chi tiết, tạo không gian tráng lệ của ngôi đền.


Ngăn cách giữa 3 gian cổ dải là hệ thống cửa 3 gian hậu cung, đồng thời là 3 gian "cung cấm" của ngôi đền: dài 7,79m, rộng 7,79 m. Hậu cung đền có kiến trúc kiểu "chồng diêm cổ các", gồm 4 cột tứ tru, tạo ra 2 vì kèo chính và là công trình cao hơn hẳn các công trình phía trước. Hai vì kèo 2 bên thấp hơn, cũng được các nghệ nhân dân gian kiến tạo hài hoà với 2 vì kèo chính. Chất liệu chính của hậu cung là gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng sáng chói. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vảy các, các mái đao cong, hệ thống bờ nóc, bờ cánh được tạo dựng chắc chắn và mềm mại.

Ngoài các công trình chính, trong khu di tích còn có một số công trình phụ trợ được tôn tạo trong những năm gần đây như toà đông vu, tôn tạo năm 2006 gồm 7 gian đào tầu đéo góc, chất liệu bằng gỗ lim, lợp ngói mũi khá đẹp; Nghi môn được xây dựng theo kiểu “chồng diêm cổ các", gồm 2 cửa phụ một cửa chính, quy mô lớn như nghi môn xưa; nhà bia, đài hoá sớ và nhiều công trình phụ trợ khác. Toàn bộ khu nội tụ được bao bọc bằng hệ thống tường bao chắc chắn và đẹp mắt.

Đền Tranh thờ Quan đệ Ngũ Tuần Tranh là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt. Theo truyền thuyết, ngày xưa ở xã Lạc Dục, huyện Tứ Kỳ, có hai vợ chồng nhà nghèo, đã già mà chưa có con. Một hôm, người chồng cuốc vườn bắt được ở cạnh một bụi cây hai cái trứng, ngỡ là trứng chim nên đem đi cất cẩn thận. Ngờ đâu, hai cái trứng nở ra hai con rắn. Vợ lấy làm sợ muốn đem giết đi, nhưng chồng không nghe, nói rằng có lẽ trời cho ta khuây khoả cảnh già đây. Quả nhiên, hai con rắn ấy quấn quýt với hai vợ chồng ông già. Một hôm ông cuốc đất, một con rắn nhảy vào đùa nghịch, bị ông cuốc cụt đuôi, về sau khi linh ứng, dân làng khiếp sợ lập miếu thờ gọi là miếu ông Cộc, ông Dài nhưng phải cái nó chỉ ăn gà thôi. Ông già đi ăn cắp gà cho chúng ăn nhiều rồi, sau sợ hàng xóm biết phải tội nên đành phải mang vứt xuống sông Tranh. Chỗ vứt hai con rắn ấy về sau nước xoáy dữ lắm. Một hôm có bà công chúa muốn qua sông, nhưng nước xoáy dữ, thuyền không qua được. Sau theo lời quan, dân sở tại đòi hai vợ chồng ông già đến hỏi chuyện. Bà lão sợ hãi bèn lấy hai nắm cơm vứt xuống sông và nói rằng: “Con ơi, con có thương mẹ thì đừng nổi sóng nữa để mẹ khỏi tội". Nói vừa xong thì sóng yên lặng.

Về sau có ông quan Phủ tên là Trịnh Thường Quân được bổ về Ninh Giang. Ông lấy một người vợ lẽ xinh đẹp. Một hôm bà đi chơi thuyền trên sông Tranh, gặp một người dưới nước lên đòi lấy bà làm vợ. Bà nhất định không nghe, đến đêm về, đang ngủ, bỗng lại thấy người đó hiện vào phòng, nhất định đòi lấy. Bà đem chuyện này nói với quan Phủ. Quan Phủ cũng lấy làm lạ, nên phòng giữ cẩn thận. Một hôm, ngài có việc quan đi vắng, đến lúc về thì thấy buồng không.

Quan Phủ lấy làm phiền lắm, bèn từ chức, ngày ngày ra bờ Sông Tranh tìm vợ. Sau gặp một ông tiên tên là Quỷ Cốc ở miền Hải Quốc mách rằng bà Phủ đã bị Hoàng tử thứ 5 của vua Thuỷ bắt xuống làm vợ rồi. Tiên Quỷ Cốc nghĩ thương tình quan Phủ nên giúp sức cho xuống được điện vua Thuỷ mà kêu, Tiên cũng kêu hộ. Sau vua Thuỷ cho cả hai vợ chồng về và bắt Hoàng tử thứ 5 đem đầy rã sông Tranh. Từ đó, dân sự hai bên bờ thấy nhiều điều kỳ dị, nên lập đền thờ, gọi là đền Tranh, dân quanh bến, hoặc thuyền bè xuôi ngược qua đây, nếu gặp sóng gió đều khấn cầu, sóng gió sẽ êm. Ai có cầu khẩn điều gì cũng được linh ứng. Thỉnh thoảng những đêm trăng sáng, có người trông thấy một thanh niên mũ áo từ trong đền đi ra. Người ta kháo nhau đó là quan lớn Tuần Tranh.

Về sau, do có nhiều công giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sống bình an, may mắn, vị thần được tôn là: Quan đệ ngũ Tranh Giang Hoàng Hợp tôn thần. Hiện nay, đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách thập phương.

+ Lễ hội đền Tranh: lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ VHTTDL công nhận ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 781/QĐ-BVHTTDL ngày 04/04/2022.

Một năm đền Tranh có hai kỳ lễ hội: kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 9 đến 12 tháng 2 âm lịch, trọng hội là ngày 10 tháng 2. Kỳ thứ hai sự lệ này được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 để tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8) mở theo lễ hội đền Kiếp Bạc. Trọng tâm là kỳ hội thứ nhất. Bên cạnh hai kỳ lễ hội là Ngày tiệc quan được mở vào 25 tháng 5 âm lịch.

* Lễ hội mùa Xuân tại đền Tranh diễn ra từ ngày từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Hai, trọng hội là ngày 10 gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ:

Lễ khai quang tịnh đền: được tổ chức vào chiều ngày mồng 9 tháng 2 với ý nghĩa là làm sạch sẽ, phong quang di tích, đảm bảo không gian linh thiêng chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội. Thành phần tham gia gồm các vị Hoà thượng, các cụ cao niên, thủ từ và lãnh đạo địa phương. Trước khi làm lễ, ban tổ chức chuẩn bị một nồi nước thơm được nấu bằng ngũ vị hương. Nước được chắt ra thau sạch. Sau khi cáo quan xin làm lễ, ông Chủ tế cầm cành phan (cành tre trúc) nhúng vào thau nước thơm vẩy xung quanh di tích và kết thúc nghi lễ.

Lễ cáo yết: sau lễ Khai quang tịnh đền là cáo yết ngày mồng 9 tháng 2. Ban tổ chức chọn ra các cụ cao niên có uy tín, đức độ, gia đình song toàn và chạy tịnh từ nhiều ngày trước. Các cụ cao niên trong trang phục áo the, khăn xếp có mặt đầy đủ tại đền. Ông thủ từ nổi trống, chuông hiệu, ban tổ chức dẫn lễ dâng lên ban Thánh (lễ vật bao gồm xôi, gà, trầu, rượu, hoa quả) dâng Thánh xin cho nhân dân được mở cửa đền tổ chức lễ hội.

Lễ mộc dục: được tiến hành vào đêm ngày mồng 9. Nước lấy từ sông Tranh rước về được đưa vào trong hậu cung để làm lễ mộc dục và làm nước lễ quanh năm.

Thành phần tham gia lễ mộc dục gồm Hoà thượng, các vị cao niên, thủ từ là những người trọng vọng, đạo đức tốt đẹp. Nước được đựng vào thau sạch, dùng khăn sách bao lau từ trên đầu xuống vai rồi lần lượt cho đến hết. Nghi lễ này được tiến hành một cách trang nghiêm thể hiện sự tôn kính với vị thần được thờ.

Thay áo mới cho Thánh: áo mới được thay ra được chia thành những mảnh nhỏ phân phát cho các cháu nhỏ tuổi. Với quan niệm, ai có được một mảnh áo của đức Thánh sẽ được ngài phù hộ cho mạnh khỏe, giỏi giang, thành đạt. Ai có được một mảnh áo, người đó sẽ có cảm giác may mắn, yên tâm vì đã có đức ngài bao bọc, che chở. Do vậy, ai cũng muốn có được mảnh áo làm bùa hộ mệnh cho mình.

Lễ rước nước: được thực hiện theo nghi thức truyền thống. Đội hình rước chuẩn bị theo vị trí đã sắp xếp từ trước, những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp, quần áo nậu, đầu chít khăn đỏ, chân quấn xà cạp. Ông thủ hiệu gióng một hồi trống để báo hiệu cho đồi hình rước sẵn sàng. Đúng 9 giờ, đoàn rước khởi hành từ sân đền Tranh. Thứ tự đội hình rước như sau: đi đầu là đội múa tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng) - đội cờ thần - đội chiêng, trống - đội hình chấp kích, bát bửu - kiệu bát cống (rước bài vị Quan Lớn Tuần Tranh, mũ, áo, hia) - kiệu long đình (rước chóe nước) - đội tế nam - đoàn đại biểu các cấp - lực lượng tham gia các trò chơi dân gian - cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Đường đi của đoàn rước: Từ sân đền Tranh qua Nghi môn, rẽ phải qua các tuyến phố của thị trấn Ninh Giang đến ngã ba sông Luộc sau đó trở về đền. Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.

Khi đoàn rước đến ngã ba sông Luộc, ban tổ chức an vị bài vị Quan Lớn Tuần Tranh theo hướng nhìn ra sông rồi tiến hành lấy nước cho vào choé rồi rước trở về đền.

​​le hoi 1.jpg

433133818_4478378469054357_5692303472156903360_n.jpg

433234912_4478380255720845_3240129662664833678_n.jpg


Lễ Khai mạc: diễn ra vào sáng ngày mồng 10 tháng 2. Ngay từ sáng sớm, ban tổ chức và cộng đồng nhân thôn Tranh Xuyên đã chuẩn bị đầy đủ nghi lễ và cơ sở vật chất cho buổi lễ. Đúng 8 giờ, lễ khai mạc được diễn ra. Sau tiết mục văn nghệ với màn trống hội sôi nổi, là bài phát biểu khai mạc lễ hội. Tiếp theo, đồng chí Trưởng Ban tổ chức lên đọc diễn văn khai mạc lễ hội. Nội dung diễn văn đã nêu lên ý nghĩa của ngày hội, công lao to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh đối với đất nước, với nhân dân, lịch sử hình thành di tích, quá trình xây dựng và bảo vệ di tích qua từng thời kỳ lịch sử đồng thời kêu gọi nhân dân phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau.

432042365_738254911729600_6930391609470531081_n.jpg

433434496_738255018396256_6240300654223753969_n.jpg 

432013273_738254961729595_893501281540716213_n.jpg


Tiếp sau đó là nghi thức đọc văn tế. Người được chọn có đức cao vọng trọng, có nhiều hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của di tích, về Quan Lớn Tuần Tranh và các sự lệ diễn ra tại di tích, có chất giọng truyền cảm để truyền đạt được tình cảm, ngưỡng vọng của nhân dân đối với Quan Lớn Tuần Tranh.

Tiếp đó, các đoàn đại biểu làm lễ dâng hương. Theo thứ tự: đại biểu trung ương, đại biểu tỉnh Hải Dương, huyện, xã, các đoàn đại biểu ở các địa phương khác được mời về tham dự, cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương.

Lễ tế: sau khi lễ rước kết thúc, ban tổ chức lễ hội tổ chức tế lễ. Lễ tế tại lễ hội đền Tranh vẫn được duy trì và phát huy theo nghi thức truyền thống. Đến nay, địa phương đã thành lập 4 đội tế, hai đội tế nam, hai đội tế nữ, mỗi đội gồm 18 người, trong đó có một đội tế phường bát nhã, theo lối tế cung đình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngày nào cũng có tế lễ. Bên cạnh những buổi tế do đội tế của địa phương thực hiện thì các đoàn tế ở các địa phương khác đến đăng ký tham gia tế lễ, cúng Thánh.

Phần hội:

Hội đền Tranh diễn ra các trò chơi dân gian không chỉ thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, ước vọng về tâm linh, mà còn phản ánh sự rèn luyện trí tuệ thông minh, sáng tạo của cộng đồng cư dân thôn Tranh Xuyên. Các trò chơi dân gian đến nay vẫn cơ bản được duy trì như xưa, như: leo cầu thùm, chọi gà, kéo co, cờ tướng, đấu vật, đánh pháo đất, đập niêu... Một số trò chơi như tổ tôm điếm, cờ bỏi đến nay đã không còn được tổ chức, thay vào đó là những hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông đã được đưa vào làm cho ngày hội thêm phần sôi động.

Trong những năm gần đây, trò chơi đánh pháo đất tại lễ hội đền Tranh đã mở rộng quy mô. Ban tổ chức thường mời các xã có truyền thống đánh pháo đất trên địa bàn huyện Ninh Giang về tham gia giao lưu như đội pháo đất xã Nghĩa An, Vĩnh Hòa, Ứng Hòe, Tân Hương… Trò chơi đánh pháo đất thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách thập phương đến tham gia cổ vũ.

Các hoạt động nghệ thuật trình diễn như múa rối nước vẫn được duy trì. Hàng năm, phường múa rối nước Hồng Phong vẫn đều đặn về tham gia phục vụ lễ hội. Bên cạnh những tích trò truyền thống, phường còn sáng tác nhiều tích trò mới tạo sự tò mò, thích thú trong công chúng. Nghệ thuật hát chèo tại lễ hội đền Tranh trong những năm gần đây do Nhà hát chèo Hải Dương thực hiện. Các vở diễn bên cạnh những vở truyền thống như Quan Âm Thị Kính, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa thì những vở mới với những nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi quê hương, mảnh đất và con người địa phương, ca ngợi công lao của các vị thần được thờ đã có công giúp nước, giúp dân, cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật hát Chầu văn và Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã trở thành một trong những nét văn hóa nổi bật tại lễ hội đền Tranh, tục hát chầu văn ở đền Tranh vẫn là hoạt động đậm nét nhất của lễ hội. Người ta cho sưu tầm những bài hát ca ngợi quan lớn Tuần Tranh và vua cha Bát Hải Đại Vương để hát, các cô đào hoặc kép hát hay, truyền cảm, đàn giỏi, múa dẻo lại lần lượt về đền Tranh để hát hầu cửa quan. Các bài văn chầu đã được sưu tầm và tổng hợp làm phong phú giá trị văn hóa tại lễ hội đền Tranh.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại lễ hội đền Tranh được duy trì một cách bền vững. Hiện nay, tại xã Đồng Tâm đã thành lập được Câu lạc bộ Hát văn và Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt với các thành viên tiêu biểu như Lưu Đức Anh Tuấn, Nguyễn Văn Doan,

Phan Văn Tuyên, Trần Văn Đạt, Hoàng Thị Lê, Đinh Văn Kền, Trần Văn Bính...Câu lạc bộ đã tích cực trình diễn tại di tích đền Tranh và tham gia các chương trình liên hoan, giao lưu, hội diễn các cấp trung ương, khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh… đạt được nhiều thành tích cao như Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Bằng khen, Giấy khen của Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban tổ chức Festival Huế, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương… Trong những ngày diễn ra lễ hội đều có hoạt động hầu đồng đã thể hiện giá trị văn hóa tâm linh của khu di tích, niềm tin và sự tôn kính của cộng đồng nhân dân đối với vị thần được thờ. Những bài văn chầu thường được biểu diễn tại đền Tranh như: Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Tứ, Quan Hoàng Bơ, Quan Hàng Bẩy, Quan Hoàng Mười, Chầu lục, Chầu bát, Chầu mười…

* Ngày Tiệc quan 25 tháng 5

Được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Buổi sáng, nhân dân tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày Quan Lớn Tuần Tranh khao tiệc tại sân đền. Đại diện các cơ quan, đoàn thể các cấp lần lượt dâng hương.

Buổi chiều tổ chức làm yến tiệc dâng Quan Lớn Tuần Tranh. Ban quản lý di tích sắm lễ gồm: 01 con lợn quay, 01 con gà luộc, 01 mâm xôi, trầu, rượu, hoa quả, bánh kẹo dâng lên Đức Ngài. Bên cạnh mâm cỗ của ban quản lý di tích, thôn Tranh Xuyên cũng sắm một mâm cỗ riêng dâng Thánh. Các cơ cánh từ các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định cũng đều có mâm cỗ thể hiện tấm lòng thành kính với vị thần được thờ.

Ngày tiệc quan chỉ tổ chức trong 1 ngày, tuy nhiên, trong tiềm thức của cộng đồng nhân dân cũng như khách thập phương, tháng 5 trở thành tháng giỗ của Quan Lớn Tuần Tranh. Vì vậy, từ ngày mồng 1 đến hết tháng đều có có hoạt động dâng hương, nhất là hoạt động hát văn và hầu Thánh được tổ chức linh đình. Các cơ cánh, các thanh đồng đạo quan ở các đền, điện trong huyện Ninh Giang  và khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đều về đền Tranh trải lòng mình và tạ Quan Lớn Tuần Tranh. Lượng du khách đến với đền Tranh trong tháng 5 lên đến hàng vạn người. Điều đó đã chứng minh vai trò, vị trí quan trọng của Quan Lớn Tuần Tranh và lễ hội truyền thống đền Tranh trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng nhân dân.

* Lễ dâng hương mùa Thu

Sự lệ này được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 để kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8).

Sáng ngày 20/8, tổ chức lễ Cáo yết (xin phép mở cửa đền) do đội tế nam thôn Tranh Xuyên thực hiện. Về nghi lễ và nghi thức được thực hiện cơ bản như lễ Cáo Yết tại lễ hội mùa Xuân. Sau lễ Cáo Yết là nghi thức tế lễ.

Từ ngày 20 đến ngày 25/8 diễn ra các hoạt động hát văn và Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cùng với phần diễn trình của Câu lạc bộ hát văn và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đền Tranh, các cơ cánh và đoàn diễn xướng ở nhiều địa phương khác cũng đến tham gia. Số lượng đoàn đăng ký có nhiều năm với số lượng lớn nên gần như trong suốt thời gian từ sáng đến nửa đêm của các ngày sự lệ tháng 8, đền Tranh luôn nhộn nhịp và du dương trong những giai điệu chầu văn.